Con riêng (của bố, mẹ) có được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ không?

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI

 

090 411 6298

098 150 3445

 

Trang chủ»Đất đai - nhà ở»Con riêng (của bố, mẹ) có được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ không?

Con riêng (của bố, mẹ) có được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ không?

 

Ông bà nội của em khi mất có để lại một mảnh đất và không có di chúc. Ông bà em có 5 người con: ba em và 4 cô chú nữa. Ba em là con riêng của ông nội, còn 4 cô chú là con cùng cha khác mẹ với ba em. Tuy nhiên, ba em sống với bà nội (mẹ kế) từ nhỏ. Vậy ba em có được hưởng thừa kế mảnh đất của ông bà nội không?

 

Đây là một trong những tình huống pháp lý thường hay xảy ra trong thực tiễn cuộc sống của mỗi chúng ta, ai cũng biết rằng, hưởng di sản thừa kế và chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại cho con cái là một trong những vấn đề rất quan trọng, thiêng liêng, không những có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, huyết thống, truyền thống, đạo đức và nhân văn. Do vậy, việc thừa kế và chia tài sản thừa kế của bố, mẹ để lại (trong trường hợp không có di chúc) cho con vẫn hay xảy ra mâu thuẫn giữa những người cùng hàng, cùng diện thừa kế, đặc biệt, đối với những hoàn cảnh gia đình mà bố mẹ vừa có con chung, con riêng hoặc “con em, con anh, con chúng ta” trong cùng một gia đình thì vấn đề chia thừa kế và hưởng di sản thừa kế bảo đảm sao cho đúng cả về mặt pháp lý và đạo lý càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với mỗi người trong hoàn cảnh nêu trên. Về vấn đề này, Luật sư xin trao đổi như sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ tài sản - quyền sử dụng đất của ông bà để lại là tài sản hình thành trong giai đoạn hôn nhân của ông bà, tài sản chung của vợ chồng.

Tại Điều 33 và Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

“Điều 34. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung

1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này.”

Theo đó, ông bà của bạn cùng xác lập quyền sở hữu đối với tài sản như quy định nêu trên thì đây được coi là tài sản chung của ông bà.

 

Thứ hai: Xác định người thừa kế tài sản:

Do ông bà của bạn mất không để lại di chúc nên thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Theo đó, khi ông bà nội mất thì 5 anh em nhà ba của bạn là người được hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, kỷ phần của ba bạn sẽ được phân chia theo hai trường hợp sau:

1. Do ba bạn là con riêng của ông nội nên ba bạn chỉ được hưởng phần tài sản của ông nội chứ không được hưởng phần tài sản của bà nội. Cụ thể mảnh đất này là tài sản chung của ông bà nội nên phần tài sản của ông nội là ½ trong khối tài sản chung của ông bà. Kỷ phần của ba bạn được hưởng là 1/5 trong khối tài sản của ông nội.

2. Nếu ba bạn ở với bà nội từ nhỏ, có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng như mẹ con thì ba bạn cũng được hưởng thừa kế của bà nội theo quy định tại Điều 654 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 654. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”

Trường hợp này kỷ phần của ba bạn được hưởng ngang bằng với kỷ phần của những người con chung khác là 1/5 trong khối tài sản chung của hai ông bà.

 

           Như vậy, vấn đề bạn nêu là ba bạn là con riêng của ông nội và ở với bà nội (mẹ kế) từ nhỏ thì ba bạn vẫn được hưởng phần di sản thừa kế trong khối tài sản chung của cả ông bà ngang với các đồng thừa kế khác.

 

Tìm kiếm bài viết

Có thể bạn quan tâm

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI 

Trang web luatthienhoahanoi.com được xây dựng nội dung bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên và cộng tác viên dựa trên nhu cầu tư vấn thực tế được trang Ban quản trị tổng hợp. Nội dung tư vấn có kèm nhiều thông tin khách hàng cũng như nhiều đối tượng khác được pháp luật bảo hộ. Việc tái bản, phát hành lại vui lòng liên hệ Ban quản trị. Mọi hành vi khác mà chưa được sự đồng ý đều được xem là vi phạm pháp luật.

LIÊN HỆ

  Điện thoại: 024 3756 0712  - 090 411 6298 / 098 150 3445

Email: [email protected]
 Địa chỉ: Số 28, ngõ 112, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

???? Website: www.luatthienhoahanoi.com