Tách bạch quan hệ hôn nhân và quan hệ cổ đông – Bảo đảm quyền tự do hợp đồng, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI

 

090 411 6298

098 150 3445

 

Trang chủ»Bài viết của các chuyên gia»Tách bạch quan hệ hôn nhân và quan hệ cổ đông – Bảo đảm quyền tự do hợp đồng, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản

Tách bạch quan hệ hôn nhân và quan hệ cổ đông – Bảo đảm quyền tự do hợp đồng, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản

Ngày 12 tháng 12 năm 2019

TS. VÕ TRÍ HẢO (Trọng tài viên VIAC, Trưởng Khoa Luật Đại học Kinh tế TP.HCM) - Các cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu công ty sẽ là cộng đồng cùng sở hữu thì toàn bộ khối “sản nghiệp” theo mô hình hình thức sở hữu chung theo phần. Điều này là không thể phủ nhận, bởi trong điều lệ, sổ cổ đông của mỗi công ty đều ghi rất rõ về tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ cổ phần và nguyên tắc định biểu quyết quan hệ sở hữu chung theo phần này.

1. Nghênh đón mô hình kinh doanh mới bằng tinh thần “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu” và học thuyết 

Cách đây khoảng 5 thế kỷ, cư dân thành Venice đã nghĩ ra mô hình công ty cổ phần từ thế kỷ 14 và chính sáng kiến này đã biến Venice trở thành thương cảng giàu có nhất thế giới trong suốt hai trăm năm sau đó [1]. Cốt lõi của mô hình công ty cổ phần, TNHH, hợp danh… là sự tưởng tượng, sáng tạo ra khái niệm “pháp nhân” và gán cho tổ chức này quyền năng như thể một con người độc lập. Chính sự “độc lập” về tài sản và trách nhiệm này đã tạo ra một bức tường ngăn bảo vệ khối tài sản tiêu dùng của doanh nhân khỏi sự lây lan rủi ro từ hoạt động kinh doanh của thương nhân; mọi rủi ro kinh doanh chỉ giới hạn lại trong phạm phần vốn đã chuyển vào công ty. Công ty đóng vai trò như “hộp cát”, như “lưới an toàn” cho các thương nhân đầu tư vào các dự án mạo hiểm bên cạnh vô vàn các lợi thế khác của mô hình này mà tác giả không có dịp phân tích ở đây.

Cách đây 2 thế kỷ, người phương Đông vẫn chìm đắm mô hình “cá nhân” kinh doanh trộn lẫn với mô hình hukou kiểu Lã Bất Vi – mô hình mà rủi ro kinh doanh có thể phải bán vợ, đợ con và đi đến “khánh kiệt”. Sự chậm trễ đổi mới thể chế này góp phần biến Trung Quốc rộng lớn thời nhà Thanh lại bị khuất phục bởi sức mạnh kinh tế quân sự của những tiểu quốc (xét về phương diện dân số, diện tích) từ phương tây; Nga Sa Hoàng thua trận trước Nhật Bản vào 1903.

Cách đây gần 4 thập kỷ, thực hiện chỉ đạo Đổi mới, các luật gia Việt Nam đã phải tái tiếp nhận một cách khá bức bách các mô hình kinh doanh của phương Tây để kịp vận hành nền kinh tế thị trường sơ khai. Khác với lần tiếp nhận mô hình kinh doanh phương Tây vào nửa đầu thế kỷ 20 ở miền Nam Việt Nam – vốn được soạn thảo bởi các luật gia tốt nghiệp từ Pháp, Anh, Mỹ – các quốc gia có hàng trăm năm truyền thống về kinh tế thị trường; các luật gia soạn thảo Luật Công ty 1990 chịu ảnh hưởng của nền luật học Xô Viết – vốn chỉ quen thuộc với mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp. Và vì vậy, cái sự “vênh” giữa đằng ngọn (tức việc tiếp nhận các quy phạm pháp luật) và đằng gốc (tức học thuyết pháp lý làm nền tảng cho các quy phạm đó) diễn ra.

Cái sự vênh này biểu hiện ra:

Thứ nhất, Luật Công ty 1990 không chấp nhận mô hình công ty TNHH một thành viên, bởi nhìn nhận công ty sinh ra là để kêu gọi hùn vốn; không nhìn thấy nhu cầu an toàn pháp lý của thương nhân chứ không chỉ nhu cầu gọi vốn.

Thứ hai, ngay cả với công ty TNHH hai thành viên thì một số Sở Kế hoạch và Đầu tư không đồng ý cho việc thành lập công ty hai thành viên gồm chồng và vợ. Bởi họ nghĩ hai con người này là một.

Thứ ba, trong khi nhân loại phân chia ra chủ thể pháp lý chỉ có hai dạng là pháp nhân và tự nhiên nhân, thì Bộ luật Dân sự 1995, 2005, Luật Đất đai 1993, 1998 duy trì “khái niệm Hộ gia đình (không đồng nhất với gia đình), tư duy “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” vẫn thể hiện trong việc trao quyền năng cho Chủ hộ định đoạt thay các thành viên của hộ trong một số giao dịch. Điều bất thường này gây ra bao nhiêu rắc rối tranh chấp liên quan chuyển nhượng, thế chấp đất nông nghiệp đứng tên hộ gia đình.

Mặc dầu khoản 1 Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015, đã không còn coi Hộ gia đình là một thực thể pháp lý độc lập (legal entity) nữa, nhưng tư duy “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phụ tử tòng tử” vẫn còn nuối tiếc trong các tranh luận về hộ kinh doanh trong thời gian gần đây [2].

Đặc biệt việc đánh đồng quan hệ hôn nhân và quan hệ giữa hai cổ đông với nhau trong vụ án ly hôn cho thấy quan niệm “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” vẫn còn đè nặng lên phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, để nhận ra, bóc tách sự len lỏi, đan xen của các luồng tư tưởng, giữa một rừng khái niệm pháp lý phức tạp, các lập luận trái chiều, chúng ta cần làm rõ một số vấn đề căn bản.

2. Tránh trộn lẫn quan hệ hôn nhân và quan hệ công ty để đi tới tước quyền cổ đông

Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2004, Luật Doanh nghiệp 2014 đã khắc phục được điểm vênh này. Điểm d khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 ghi nhận rất rõ ràng quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông: “Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này ”.

Như vậy, dù là vợ hay chồng thì với tư cách cổ đông họ có quyền chuyển nhượng hay không chuyển nhượng, chuyển nhượng cho bất kỳ ai, trừ khi họ là cổ đông sáng lập của công ty thành lập chưa đầy ba năm (bị hạn chế chuyển nhượng theo khoản 3 Điều 119 ) hoặc bản thân cổ phần mà họ nắm giữ ghi rõ về việc bị hạn chế chuyển nhượng này (khoản 1 Điều 126).

Tương tự như vậy, Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 cũng bảo đảm quyền tham dự, phát biểu tại Đại hội đồng Cổ đông, quyền đề cử người vào Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát…

Trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam không có một quy định nào cho phép tổ chức hay cá nhân nào tước bỏ, hạn chế quyền của cổ đông với lý do họ là vợ, chồng của cổ đông khác, hay vợ chồng của người điều hành công ty.

Quan hệ hôn nhân, quan hệ giữa các cổ đông, việc quản lý công ty là những câu chuyện khác nhau; một bên được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình, một bên được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp 2014. Bởi vậy, không có lý việc trộn lẫn việc xử lý ly hôn giữa vợ chồng với việc xử lý mối quan hệ giữa hai cổ đông, giữa cổ đông với bộ máy quản trị công ty, giữa cổ đông với người điều hành, quản trị công ty. Việc trộn lẫn này, sẽ dẫn tới việc gộp quan hôn nhân thành quan hệ cổ động, biến việc gia đình thành việc của công ty; không còn thừa nhận tính tồn tại độc lập của pháp nhân (công ty) nữa.

Bản thân công ty, với tư cách là một pháp nhân, nó có số phận độc lập với các cổ đông của nó, với người điều hành, người quản trị nó và càng độc lập với quan hệ hôn nhân của các cổ đông của nó. Theo quan điểm của tác giả, các yêu cầu độc lập này cần được tách ra thành hai vụ kiện, xử lý trong hai vụ án khác nhau.

3. Công ty, tài sản và sản nghiệp của công ty

Mặc dầu nội dung của Luật Doanh nghiệp 2014 được soạn thảo khá chặt chẽ, tuy nhiên quá trình Việt hoá hệ thống thuật ngữ pháp lý mô tả các thiết chế, tương tác giữa các bộ phận cấu thành nên công ty bị “nôm na hoá”, cùng với truyền thống 50 năm tư duy pháp lý của thời kỳ bao cấp, không ghi nhận quyền sở hữu trí tuệ, nên đã “vật thể hoá” các loại tài sản dưới ảnh hưởng của truyền thống luật châu Âu lục địa gây nên thiếu vắng định nghĩa về sản nghiệp của doanh nghiệp, khiến cho công chúng thường nhẫm lẫn giữa tài sản của công ty và sản nghiệp của công ty. Điều này khiến cho nhiều người không biết cổ đông đang sở hữu cái gì; thậm chí thương nhân võ sư Nguyễn Hữu Khai do nhầm lẫn giữa tài sản thuộc sở hữu của mình (với tư cách chủ sở hữu Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long) và tài sản thuộc sở hữu của Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long nên đã bị khởi tố và phạt tù tội “chiếm giữ trái phép tài sản” [3].

Tài sản của công ty, doanh nghiệp nói chung là tất cả những gì thuộc về sở hữu hiện có của doanh nghiệp bao gồm các quyền sở hữu trí tuệ, tài sản hữu hình như đất đai, nhà xưởng… của doanh nghiệp và một phần của nó được phản ánh trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Sản nghiệp hay còn gọi là giá trị vốn hoá của công ty, doanh nghiệp nói chung bao gồm tài sản của doanh nghiệp cùng với những giá trị tiềm tàng khác, như lợi thế cạnh tranh, công nghệ, độc quyền tự nhiên, kiện tụng, khả năng sinh lợi trong tương lai (các chỉ số EBITDA, ROE, ROA… đóng vai trò quan trọng để đánh giá sản nghiệp). Ví dụ Tesla là một công ty được thành lập vào năm 2003 và từ đó đến nay chưa bao giờ có lãi, riêng trong năm 2019 Tesla thua lỗ hơn 1 tỷ USD [4], nhưng các nhà đầu tư vẫn định giá “sản nghiệp” của Tesla ở mức xung quanh 59 tỷ USD [5]. Ở Việt Nam, đôi khi việc con gái một quan chức nhận chuyển nhượng cổ phần, tuy không đóng góp thêm một đồng vốn nào, nhưng cũng có thể đẩy giá trị “sản nghiệp” của công ty tăng lên chóng mặt; ngược lại khi chính trị gia dính vào lao lý thì “sản nghiệp” của công ty con cháu họ cũng lao dốc, mặc dầu báo cáo tài chính và tài sản công ty không có gì thay đổi.

Bản thân công ty là một pháp nhân, không phải là một tài sản. Nên cách nói chủ sở hữu công ty hay “mua bán công ty” là một cách nói nôm na, nhưng dễ dẫn tới cách hiểu công ty là một tài sản. Và từ cách hiểu không đúng này, có người lợi dụng sự nhầm lẫn này của công chúng để giải thích công ty là một tài sản thuộc sở hữu chung không thể phân chia.

Người góp vốn, cổ đông, chủ sở hữu sở hữu phần quyền tài sản tương ứng với sản nghiệp của công ty, doanh nghiệp nói chung. Và với bản chất này thì “sản nghiệp” là một tập hợp tài sản (theo nghĩa rộng của khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015) hoàn toàn có thể phân chia; tách thành từng phần và chuyển nhượng một cách bình thường trên thị trường chứng khoán hay qua các giao dịch thoả thuận trực tiếp; khi việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp vượt quá một ngưỡng nhất định khiến cho quyền kiểm soát doanh nghiệp thuộc về bên mua thì báo chí thường gọi là giao dịch M&A. “Sản nghiệp” không phải là vật hữu hình, nên không đặt ra vấn đề chia được hay không chia được theo Điều 111 Bộ luật Dân sự 2015. Và trong thực tiễn giao dịch chứng khoán, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp, người ta đã ứng xử với phần phần sản nghiệp được chuyển giao này như là một loại “quyền tài sản khác” theo Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015. Và theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, thì “quyền tài sản khác” này cũng là một loại tài sản.

Điều 209 Bộ luật Dân sự 2015 phân loại và nêu tính chất của sở hữu chung theo phần như sau: “Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung”.

Như vậy các cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu công ty sẽ là cộng đồng cùng sở hữu thì toàn bộ khối “sản nghiệp” theo mô hình hình thức sở hữu chung theo phần. Điều này là không thể phủ nhận, bởi trong điều lệ, sổ cổ đông của mỗi công ty đều ghi rất rõ về tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ cổ phần và nguyên tắc định biểu quyết quan hệ sở hữu chung theo phần này.

Riêng đối với loại hình công ty cổ phần thì điểm a khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014 ghi rất rõ về khả năng “xác định phần quyền của mỗi chủ sở hữu” bằng khái niệm cổ phần: “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”.

4. Quyền tài sản và quyền tự do hợp đồng

Như vậy, việc xác định cổ phần là “vật không chia được”, phải trị giá bằng tiền để chia là trái với Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014, trái với Điều 209 Bộ luật Dân sự 2015.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ghi nhận ba trường hợp chuyển nhượng bắt buộc: (a) Trường hợp bị trưng mua vì lợi ích công cộng; (b) Buộc chuyển nhượng quyền khai thác bằng sáng chế (chuyển nhượng li – xăng bắt buộc) để bảo vệ lợi ích công công (quyền thụ hưởng y tế giá rẻ từ sáng chế thuốc, sự phát triển của nền công nghiệp quốc gia từ patent độc quyền của một công ty); (c) buộc chuyển nhượng bất động sản để tạo lối đi, lối thoát nước mưa cho bất động sản liền kề (xuất phát từ quyền địa dịch).

Pháp luật Việt Nam không hề ghi nhận, việc vì lợi ích của một công ty, vì nhu cầu quản trị nội bộ của một công ty, mà nhà nước hay toà án vô hiệu hoá quyền của cổ đông, của đại hội đồng cổ đông để can thiệp vào việc quản trị nội bộ của công ty. Pháp luật Việt Nam càng không ghi nhận lý do vì quan hệ hôn nhân mà tước đi quyền tự do “chuyển nhượng cổ phần” của cổ đông, để đi đến đơn phương áp đặt “trị giá bằng tiền” để buộc cổ đông A phải chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông B. Hành động này đi ngược với quyền tự do hợp đồng, quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tư hữu vốn là quyền con người và đã được Hiến pháp Việt Nam 2013 ghi nhận rất rõ ràng, trọng thể.

1.Acemoglu & Robinson (2012), Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty, Crown Business Publishing House, tr.154.
2.https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dua-ho-kinh-doanh-vao-luat-doanh-nghiep-de-lam-gi-591431.html
3.https://www.nguoiduatin.vn/toan-canh-vu-chu-tich-tap-doan-bao-long-bi-batnguyen-mau-nhan-vat-chinh-phim-duong-doi-va-ly-do-bi-khoi-to-bat-tam-giam-a86401.html
4.https://techtalk.vn/tesla-thua-lo-hon-1-ty-usd-trong-nam-2019-giam-doc-cong-nghe-tu-chuc.html
5.https://news.zing.vn/9-dai-gia-cong-nghe-ty-usd-lien-tuc-thua-lo-va-dot-tien-nha-dau-tu-post1018626.html

                                                                                                                                  (Theo Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân)

Tìm kiếm bài viết

Có thể bạn quan tâm

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI 

Trang web luatthienhoahanoi.com được xây dựng nội dung bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên và cộng tác viên dựa trên nhu cầu tư vấn thực tế được trang Ban quản trị tổng hợp. Nội dung tư vấn có kèm nhiều thông tin khách hàng cũng như nhiều đối tượng khác được pháp luật bảo hộ. Việc tái bản, phát hành lại vui lòng liên hệ Ban quản trị. Mọi hành vi khác mà chưa được sự đồng ý đều được xem là vi phạm pháp luật.

LIÊN HỆ

  Điện thoại: 024 3756 0712  - 090 411 6298 / 098 150 3445

Email: [email protected]
 Địa chỉ: Số 28, ngõ 112, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

???? Website: www.luatthienhoahanoi.com