Tiễn biệt người mang án tù chưa một ngày chấp hành án phạt tù

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI

 

090 411 6298

098 150 3445

 

Trang chủ»Thực tiễn trong giải quyết các vụ việc của Luật sư»Tiễn biệt người mang án tù chưa một ngày chấp hành án phạt tù

Tiễn biệt người mang án tù chưa một ngày chấp hành án phạt tù

 

24.jpg

 

Tôi và luật sư đồng nghiệp được bị cáo trong một vụ án hình sự mời làm Người bào chữa tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Bị cáo mà chúng tôi bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm đã bị tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên phạt 08 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” áp dụng theo Khoản 1, Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Số tiền bị chiếm đoạt gần mười hai triệu đồng; hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị cáo mà cấp tòa sơ thẩm phạt 08 tháng tù là do người này có mua một chiếc điện thoại trả góp tại một cửa hàng bán điện thoại di động của một Công ty với trị giá trên 18 triệu đồng. Người mua đã trả lần đầu được 7 triệu, số tiền còn phải thanh toán tiếp cho Công ty bán điện thoại là hơn 11 triệu đồng. Người mua điện thoại là một người lao động tự do, không có công việc làm ăn ổn định nên thường xuyên phải đi làm ăn xa nhà và khi đến hạn đã không thanh toán hết số tiền còn nợ cho Công ty.

 

Bẵng đi sau hơn 3 năm thì người mua điện thoại bị cơ quan Công an “truy nã” về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do việc đại diện của Công ty bán điện thoại làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Khi biết mình bị truy nã thì tình trạng sức khỏe của người mua điện thoại đang bị ốm nặng, hiện phải nằm điều trị tại một bệnh viện tuyến cuối của Ngành Y tế ở Hà Nội và theo như chúng tôi được biết thì bệnh tình khá nghiêm trọng:“Bệnh thận mạn giai đoạn cuối, giai đoạn V; chuẩn đoán theo dõi bệnh thận giai đoạn cuối do đái tháo đường, suy tim… theo yêu cầu chuyên môn cần lọc máu 03 lần/tuần” - theo như nhận xét của bệnh viện.

 

Trong thời gian điều trị tại bệnh viện, người mua điện thoại đã chủ động đến cơ quan Công an đầu thú và tìm đến cửa hàng mà mình đã mua chiếc điện thoại để thanh toán số tiền còn thiếu cho cửa hàng, tuy nhiên, nhân viên của cửa hàng không thể thu tiền của người này, bởi vì, trên hệ thống lưu dữ thông tin khách hàng của cửa hàng không còn thông tin về người đã mua chiếc điện thoại là bị cáo mà chúng tôi bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm.

 

Sau đó, bị cáo đã tìm đến trụ sở công ty để nộp số tiền còn thiếu cho công ty. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có thêm tình tiết mới là đã bồi thường toàn bộ thiệt hại và đã khắc phục toàn bộ hậu quả cho bị hại, đã nộp đầy đủ án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm cho cơ quan thi hành án theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Luật sư bào chữa cho bị cáo như được tăng thêm niềm tin để bào chữa, bảo vệ cho bị cáo sẽ được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét chấp nhận cho được miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt, bởi, xét theo tình huống pháp lý được ghi nhận trong điều luật của Bộ luật hình sự:“khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình, người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội” thì có thể được áp dụng miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt như tinh thần của điểm a, điểm b, Khoản 2 Điều 29; điểm b Điều 62 Bộ luật hình sự 2015 đã ghi nhận. Đây có thể được xem là một trong những căn cứ khá vững chắc để Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét chấp nhận với đề nghị của Luật sư khi đưa ra quyết định của bản án; và việc vận dụng tinh thần những điểm, điều, khoản của điều luật nêu trên đối với bị cáo thì theo chúng tôi đó là sự thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội khi ra quyết định của bản án, tạo điều kiện cho người phạm tội như bị cáo mà chúng tôi bào chữa có cơ hội được tiếp tục chữa bệnh, kéo dài thêm sự sống cho bản thân mình.

 

Theo như hồ sơ vụ án mà Luật sư nghiên cứu thì thấy rằng ngay trong khi đang điều trị tại bệnh viện, biết mình bị truy nã, bị cáo đã chủ động ra đầu thú với cơ quan Công an và đã tích cực đề nghị được bồi thường, khắc phục hậu quả nhằm trả lại số tiền còn thiếu cho Công ty bán điện thoại với mong muốn sẽ được giảm nhẹ hình phạt đối với mình; tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi về hành vi phạm tội do mình gây ra,...

 

Với tình hình diễn biến bệnh và những tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như trên, nhưng khi xét xử sơ thẩm chưa được Hội đồng xét xử xem xét cho được miễn chấp hành hình phạt mà vẫn buộc phải chấp hành 08 tháng tù thì theo Luật sư chúng tôi cho là quá nghiêm khắc; bị cáo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mất đi cơ hội để được điều trị bệnh, duy trì sự sống và rất có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Điều này như càng thôi thúc các Luật sư chúng tôi bào chữa cho bị cáo phải trình bày sao cho thật thuyết phục những tình tiết có lợi nhất của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm để được Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận với đề xuất của Luật sư cho bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt như tinh thần điều luật đã viện dẫn nêu trên.

 

Tuy nhiên, khi tuyên án, Hội đồng xét xử vẫn y án 08 tháng tù, không được miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt và cố nhiên không được hưởng án treo, vì đã “bị truy nã” như tinh thần giải thích pháp luật trong Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng về án treo.

 

Mấy ngày sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, tôi đến chơi nhà một người bạn, vì anh hơn tuổi tôi nên tôi gọi bằng anh, anh vừa là người anh, nhưng đồng thời cũng là người thầy đáng kính của tôi trong lĩnh vực xét xử, anh công tác lâu năm trong Ngành Tòa án và cũng là một Thẩm phán, đã từng trải qua việc xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và sau này là một trong số những người từng giữ cương vị, trọng trách chủ chốt của Ngành Tòa án. Tôi đem việc đi phiên tòa phúc thẩm kể lại cho anh nghe về việc áp dụng điều luật của Hội đồng xét xử và quyết định của bản án phúc thẩm, nghe tôi kể hết câu chuyện, anh nghiêm nét mặt thốt lên:

 

- Sao lại như thế, nếu điều luật cho phép tại sao lại không áp dụng tối đa những tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo để họ được hưởng như điều luật quy định! Rồi bỗng nhiên thấy sắc mặt anh chùng xuống lộ rõ nét buồn, giọng anh nhỏ lại: cũng nhiều Thẩm phán, Hội đồng xét xử không đủ dũng khí, can đảm đối mặt với sự thật, sợ trách nhiệm, danh hiệu thi đua và cả những nguyên nhân khác nữa!

 

- Thưa anh, tôi đáp lại: vì Hội đồng xét xử là nhân danh Nhà nước, phán quyết của Tòa là pháp chế chấp hành! Anh cười, một nét cười với ánh mắt lấp lánh, tươi vui, phảng phất sự xa xăm của người Thẩm phán già nghỉ hưu trong căn phòng rộng chừng 50 m2; nơi đó, đang có hai người đàn ông, một Thẩm phán và một Luật sư đang nói về một phiên tòa hình sự phúc thẩm mà ở đó họ có chung sự đồng cảm trong việc áp dụng pháp luật của Hội đồng xét xử.

 

Những ngày tiếp sau, Luật sư chúng tôi thường xuyên liên lạc bằng điện thoại di động với người vừa bị kết án để lấy thêm thông tin về tình hình diễn biến bệnh, làm đơn giúp anh gửi đến cơ quan thi hành án xin được miễn chấp hành hình phạt tù và miễn phải thi hành án, vì biết rằng sức khỏe của anh khó có thể kéo dài lâu thêm được nữa, bởi, hôm đến phiên tòa xét xử phúc thẩm thì anh đã được người nhà dìu đến đứng trước bục xét hỏi dành cho bị cáo với tình trạng bệnh tật rất tiều tụy, sắc mặt xạm đen, vô hồn như người sắp chết, Chủ tọa phiên tòa cho anh được ngồi khi Tòa xét hỏi.

 

Với rất nhiều cuộc điện thoại mà Luật sư chúng tôi liên hệ với anh, nhưng vẫn bặt vô âm tín, không sao nhận được hồi âm từ anh, chúng tôi gọi điện cho người thân của anh để hỏi về tình hình của anh thì được biết anh đã mất trước đó 4 ngày tại bệnh viện khi chạy thận, gia đình đã lo xong hậu sự cho người xấu số, tự dựng trong lòng tôi trào lên nỗi xót xa về số kiếp một con người - người mang án tù!

 

Tôi và Luật sư đồng nghiệp tìm chỗ gửi xe, lách qua những người bán hàng trong một con ngõ chật hẹp của một con phố Hà Nội giữa trời nắng gắt, vào sâu trong ngõ, đi qua hành lang một khu nhà ở kiểu căn hộ tập thể thời bao cấp, chúng tôi men theo cầu thang hẹp leo lên tầng hai và dừng trước cửa một căn phòng, gõ cửa, một căn phòng rộng chừng độ hai mươi mét vuông hiện ra trước mặt, đó là nhà ở của gia đình anh, người mang án tù vừa mới mất. Tiếp chúng tôi là bố, mẹ của anh, đôi vợ chồng già, mắt nhìn không còn được rõ, mẹ anh chậm rãi nói lại cho chúng tôi biết việc con mình đã mất trong bệnh viện mà ông bà sau mới biết tin. Chúng tôi lặng lẽ đặt lên bàn thờ làm tạm bằng một chiếc thùng gỗ phủ bên trên tấm vải sa tanh màu vàng đồ lễ và cúi lạy thắp cho người xấu số nén hương tiễn biệt người mang án tù mà chưa bao giờ phải chấp hành án phạt một ngày tù!

 

                                                                                                                                LS. Lê Duy Thắng

 

 

 

 

 

 

Tìm kiếm bài viết

Có thể bạn quan tâm

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI 

Trang web luatthienhoahanoi.com được xây dựng nội dung bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên và cộng tác viên dựa trên nhu cầu tư vấn thực tế được trang Ban quản trị tổng hợp. Nội dung tư vấn có kèm nhiều thông tin khách hàng cũng như nhiều đối tượng khác được pháp luật bảo hộ. Việc tái bản, phát hành lại vui lòng liên hệ Ban quản trị. Mọi hành vi khác mà chưa được sự đồng ý đều được xem là vi phạm pháp luật.

LIÊN HỆ

  Điện thoại: 024 3756 0712  - 090 411 6298 / 098 150 3445

Email: [email protected]
 Địa chỉ: Số 28, ngõ 112, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

???? Website: www.luatthienhoahanoi.com