Một vài băn khoăn về áp dụng án lệ

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI

 

090 411 6298

098 150 3445

 

Trang chủ»Nghiên cứu, trao đổi pháp luật»Một vài băn khoăn về áp dụng án lệ

Một vài băn khoăn về áp dụng án lệ

 

Ngày 06/4/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua và cho công bố án lệ số 01/2016 về vụ án “Giết người”, đến cuối tháng 2 năm 2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua và cho công bố 37 án lệ. Việc thông qua và cho công bố án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhằm mục đích giúp các cấp Tòa án trong hệ thống và đội ngũ Thẩm phán, Hội đồng xét xử nghiên cứu, vận dụng, áp dụng trong thực tiễn xét xử khi có sự kiện pháp lý, vụ việc giống nhau. Có thể xem đây là những “án mẫu” chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể; có tính chuẩn mực, giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau nhằm rút ngắn về thời gian xét xử, giải quyết án, góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội và công dân, đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của công tác cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay mà trong đó công tác xét xử của ngành Tòa án đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, sau gần 4 năm, kể từ khi công bố án lệ số 01 đến án lệ số 37, không rõ đã có bao nhiêu quyết định, bản án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử các cấp Tòa án đã áp dụng, vận dụng án lệ trong việc xét xử, ra quyết định góp phần giải quyết nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật, làm giảm tỷ lệ án tồn đọng, án chờ, đáp ứng theo tinh thần cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.


 Bài viết này, chúng tôi xin nêu một vài băn khoăn, suy nghĩ của cá nhân là luật sư khi tham gia, “gắn bó” với một số vụ án đi cùng năm tháng với Thẩm phán, Hội đồng xét xử thì nhận thấy tinh thần áp dụng án lệ trong xét xử, ra các quyết định, bản án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử chưa thật sự được như mong muốn, kỳ vọng việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử.

Như chúng ta đều biết, án lệ là bản án hoặc quyết định của Tòa án, nó tạo lập quy tắc hoặc căn cứ pháp lý đáng tin cậy cho việc quyết định các vụ việc trong tương lai.

Quan điểm của Aritotle về án lệ “Các vụ việc giống nhau thì cần phải được xét xử như nhau”. Như vậy, án lệ đã xuất hiện từ rất sớm trong bình minh của xã hội loài người, các nhà tư tưởng thời cổ đại về nhà nước và pháp luật đã từng mơ một khát vọng được xét xử công bằng. Quan điểm của Aritotle về án lệ đã trở thành nền tảng cơ bản cho sự tồn tại của học thuyết về án lệ trong suốt chiều dài lịch sử, được bổ sung, hoàn thiện và ngày càng phát triển cả trong truyền thống pháp luật Com mon Law (Thông luật) và Civil Law (Pháp luật Dân sự thành văn). Tuy nhiên, học thuyết về án lệ theo quan điểm truyền thống pháp luật Com mon Law và Civil Law cũng khác nhau. Án lệ theo hệ thống luật Com mon Law không giống theo Án lệ theo hệ thống luật Civil Law. Trong khi án lệ theo hệ thống luật Com mon Law coi án lệ là nguồn luật chính thống thì án lệ theo hệ thống luật Civil Law lại được coi là nguồn luật thứ cấp trong hệ thống pháp luật Civil Law.

Trong hệ thống pháp luật Com mon Law, án lệ trở thành nguồn luật quan trọng, chủ yếu, tồn tại như một nguồn luật; là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của các cơ quan Tòa án, từ đó các vụ việc giống nhau cần được xét xử như nhau. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật các nước thuộc hệ thống luật Civil Law thời hiện đại (như Đức, Pháp) đã coi trọng vai trò của án lệ.

Án lệ đóng vai trò quan trọng trong việc nhận dạng và so sánh về phương pháp luật giữa hệ thống luật Com mon Law và Civil Law. Phương pháp luật của hệ thống pháp luật Com mon Law là phương pháp quy nạp, trong khi đó hệ thống luật Civil Law lại được thể hiện bởi phương pháp diễn dịch. Phương pháp quy nạp được dựa trên những vấn đề cụ thể của từng vụ án (án lệ) áp dụng vào các vụ việc như là quy định của pháp luật. Đối với phương pháp diễn dịch thì việc tiếp cận với các vấn đề pháp luật nảy sinh được bắt đầu từ các nguyên tắc chung được quy định trong các quy phạm pháp luật.

Trong bài viết này chúng tôi xin đi vào án lệ theo hệ thống pháp luật Civil law, bởi vì hệ thống pháp luật này gần gũi, sát với thực tiễn pháp luật của nước ta hiện hành.

Án lệ thể hiện vai trò trong thực tiễn pháp lý hằng ngày của hệ thống pháp luật Civil law, bởi vì sự cần thiết phải giải thích các quy phạm pháp luật thành văn bởi thẩm phán. Thêm vào đó, thực tế luật thành văn không thể bao trùm được toàn bộ sự điều chỉnh của nó với thực tiễn pháp luật rất đa dạng, sống động và phong phú. Trong hệ thống pháp luật Civil law sự lập luận pháp luật được bắt đầu từ các quy định của pháp luật trong luật thành văn. Đối với hệ thống pháp luật Com mon law, sự lập luận pháp luật được bắt đầu từ các án lệ của Tòa án. Bởi vậy, khái niệm về truyền thống án lệ đang được áp dụng trong pháp luật Việt Nam hiện hành có thể khái quát như sau:

1. Án lệ là những quyết định (đã được tuyên bởi Tòa án) có quyền uy bởi vì nó được quyết định bởi Thẩm phán, Hội đồng xét xử và nó có vị trí trong sự nhận thức thực tiễn pháp luật.

2. Án lệ không phải là các quy phạm pháp luật nhưng án lệ làm sáng tỏ những câu hỏi về pháp luật. Án lệ đóng vai trò như là phương tiện để Thẩm phán, Hội đồng xét xử giải quyết vụ việc trong các vụ việc xảy ra sau đó. Những Thẩm phán, Hội đồng xét xử có thể dựa vào các án lệ trước đây để đưa ra lý do cho quyết định trong vụ việc hiện thời.

3. Khái niệm truyền thống về án lệ đã đòi hỏi về tính quyền uy của án lệ nhưng không giải thích vì sao án lệ có giá trị bắt buộc đối với các vụ việc nảy sinh sau nó. Nó được giải thích một cách đơn giản là những vấn đề làm cơ sở cho các quyết định trong bản án và nó đã tạo cho các quyết định này có tính quyền uy.

Câu hỏi đặt ra tại sao án lệ cần được Thẩm phán, Hội đồng xét xử tuân theo, bởi vì:

Thứ nhất, việc tuân theo án lệ là sự đòi hỏi logic trước sau như một của pháp luật. Sự đòi hỏi cho tính nhất quán (trước sau như một) trong pháp luật là sự áp dụng tốt nhất của Thẩm phán, Hội đồng xét xử khi ra các quyết định.

Thứ hai, Việc tuân theo án lệ là một đòi hỏi của tính công bằng của công lý. Bản chất của đặc điểm này thể hiện ở tiêu chí các vụ việc giống nhau thì cần phải được xét xử như nhau hoặc là bất cứ ai cũng phải được đối xử công bằng. Vì thế mà các Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải đối xử, xét xử với các bên trong vụ án hiện tại giống như những gì mà các bên trong vụ án tương tự trước đó đã được đối xử.

Thứ ba, việc tuân theo án lệ có liên quan đến quan niệm cần nâng cao tính ổn định của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nếu quá cứng nhắc tuân thủ tính ổn định của hệ thống pháp luật thì đây lại là lý do để duy trì án lệ và không muốn thay đổi nó thì trong một chừng mực nào đó xu hướng này sẽ làm cản trở sự phát triển.

Giải pháp pháp luật trong một án lệ sẽ bị lạc hậu khi nó không còn phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội,… mới nảy sinh. Pháp luật, về nguyên tắc luôn cần phải thay đổi kịp thời với điều kiện xã hội mà nó phản ánh. Chính vì vậy một sự dung hòa giữa nhu cầu về tính ổn định, tính thống nhất và tính mềm dẻo của pháp luật luôn cần đến trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia khi áp dụng án lệ trong việc ra quyết định của Thẩm phán, Hội đồng xét xử.

Chúng ta hy vọng những án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua và công bố cũng như trong tương lai sẽ có nhiều những án lệ tiếp nữa được thông qua và công bố, góp phần để các Thẩm phán, Hội đồng xét xử rộng đường nghiên cứu, đối chiếu, vận dụng, áp dụng thúc đẩy nhanh hơn quá trình xét xử, giải quyết án, tránh tình trạng án tồn đọng quá lâu, kéo dài, chậm được giải quyết, làm giảm niềm tin hy vọng và sự mong đợi của người dân vào ngành Tòa án, vào cải cách tư pháp, vào công tác xét xử và với đội ngũ luật sư bớt đi những mệt nhọc, đợi chờ khi tham gia vụ việc với tư cách là người tham gia tố tụng trong vụ án./.

                                                                                                                      LS. Lê Duy Thắng

                                                                                                                              

 

Tìm kiếm bài viết

Có thể bạn quan tâm

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI 

Trang web luatthienhoahanoi.com được xây dựng nội dung bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên và cộng tác viên dựa trên nhu cầu tư vấn thực tế được trang Ban quản trị tổng hợp. Nội dung tư vấn có kèm nhiều thông tin khách hàng cũng như nhiều đối tượng khác được pháp luật bảo hộ. Việc tái bản, phát hành lại vui lòng liên hệ Ban quản trị. Mọi hành vi khác mà chưa được sự đồng ý đều được xem là vi phạm pháp luật.

LIÊN HỆ

  Điện thoại: 024 3756 0712  - 090 411 6298 / 098 150 3445

Email: [email protected]
 Địa chỉ: Số 28, ngõ 112, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

???? Website: www.luatthienhoahanoi.com