Thời hiệu quy định trong Bộ luật dân sự 2015 và thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI

 

090 411 6298

098 150 3445

 

Trang chủ»Dân sự»Thời hiệu quy định trong Bộ luật dân sự 2015 và thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời hiệu quy định trong Bộ luật dân sự 2015 và thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

 

1. Thời hiệu là gì?

Để các quan hệ dân sự phát huy được tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh thì phải tạo sự ổn định cho các quan hệ dân sự, tạo tâm lý yên tâm cho các chủ thể trong giao lưu dân sự. Do đó, pháp luật quy định các thời hạn để các bên có thể lựa chọn cách ứng xử cho phù hợp vì các lợi ích của mình. Khi kết thúc thời hạn đó có thể làm phát sinh hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan, thời hạn đó được gọi là thời hiệu.

 Theo quy định tại khoản 1 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

“Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật định.

Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”.

Thời hạn của mỗi loại thời hiệu dài hay ngắn phụ thuộc vào đặc tính của quan hệ,  của loại thời hiệu, yêu cầu về tính ổn địnhh của quan hệ đó, về tâm lý xã hội… Ví dụ, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự chỉ có 01 năm, nhưng đối với yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì Bộ luật Dân sự 2015 quy định là 02 năm (Điều 132), với thời hiệu thực hiện quyền khởi kiện trong tranh chấp hợp đồng là 03 năm (Điều 429), thời hiệu thừa kế có ba loại thời hạn, dài nhất là 30 năm, sau đó là 10 năm, 03 năm (Điều 623); với thời hiệu hưởng quyền dân sự, luật cũng quy địnhh thời hạn dài, ngắn khác nhau căn cứ vào tính chất loại tài sản (Điều 236), khi kết thúc các thời hạn trong những điều kiện do luật quy định thì phát sinh những hậu quả pháp lý đối với các chủ thể tham gia trong các quan hệ đó.

Khoản 2, Điều 149 quy định như sau:

“2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”.

Quy định tại khoản 2, Điều 149 BLDS năm 2015 là cụ thể hóa nguyên tắc trong dân sự là quyền quyết địnhh thuộc về các bên, Nhà nước không can thiệp, không xem xét khi bản thân người trong cuộc không yêu cầu. Nói theo ngôn ngữ dân gian: “ việc dân sự cốt ở đôi bên”, từ đó có thể rút ra mấy vấn đề cần lưu ý như sau:

Một là, Tòa án không có quyền chủ động xem xét vấn đề thời hiệu. Việc áp dụng quy định về thời hiệu chỉ được đặt ra khi có đương sự yêu cầu, không có bên nào yêu cầu thì không được xem xét.

Hai là, thời điểm đưa ra yêu cầu xem xét về thời hiệu phải được một bên hoặc các bên đưa ra “ Trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”. Nếu Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định hoặc tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm mới đưa ra yêu cầu xem xét về thời hiệu sẽ không được xem xét.

Ba là, chủ thể được quyền đưa ra yêu cầu áp dụng thời hiệu là các đương sự của vụ, việc dân sự, người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu là chủ thể đưa ra yêu cầu.

Bốn là, không được từ chối áp dụng thời hiệu nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ dân sự.

2. Thời hiệu khởi kiện

Quyền khởi kiện là quyền của mọi thể nhân, pháp nhân mà pháp luật trao cho các chủ thể, là phương tiện pháp lý để chủ thể bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi bị chủ thể khác xâm phạm. Nhưng nếu pháp luật giành cho người có quyền khởi kiện một không gian, thời gian không giới hạn sẽ gây tâm lý bất an cho những chủ thể tham gia quan hệ dân sự, họ sẽ luôn trong trạng thái lo sợ bất cứ lúc nào cũng có thể bị “lôi kéo” vào một vụ tranh chấp, làm cho quan hệ dân sự mất đi tính ổn định cần thiết, quan hệ dân sự khó phát triển lành mạnh. Mặt khác khi một sự việc vi phạm xảy ra đã quá lâu mới khởi kiện, mới yêu cầu giải quyết thì việc thu thập tài liệu, chứng cứ của các bên đều không thuận lợi, cơ quan tài phán cũng gặp khó khăn khi thu thập, kiểm tra chứng cứ, việc xét xử khó đảm bảo độ chính xác. Do đó luật đã quy định một thời hạn để bên có quyền lợi bị xâm phạm thực hiện quyền khởi kiện. Nếu hết thời hạn đó mà bên có quyền khởi kiện không thực hiện việc khởi kiện thì mất quyền khởi kiện, đó được coi là thời hiệu khởi kiện.

Vậy, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Ví dụ, trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, có loại thời hiệu khởi kiện 01 năm (khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa), 02 năm cho rất nhiều trường hợp thực hiện các loại hợp đồng đại lý, cứu hộ, lai dắt tàu biển…; trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với quan hệ hợp đồng (Điều 429), bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 588), thời hiệu khởi kiện là 03 năm, trong khi đó thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là động sản là 10 năm, nhưng nếu là bất động sản là 30 năm (Điều 623); thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám, chữa bệnh là 05 năm, kể từ khi sự việc xảy ra (Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009).

3. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Việc dân sự là loại việc không có tranh chấp, nhưng chủ thể trong quan hệ đó có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự (dân sự theo nghĩa rộng) của mình hoặc của chủ thể khác; yêu cầu công nhận cho mình quyền dân sự.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu. Việc dân sự thường ít phức tạp hơn so với vụ án dân sự, có loại việc phải xử lý nhanh, sớm ổn địnhh hoặc tạo tiền đề giải quyết quan hệ pháp luật khác. Do đó, thời hạn giải quyết loại việc này thường ngắn hơn nhiều so với vụ án dân sự.

Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Tại khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

Như vậy, khi có một yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự hoặc yêu cầu giải quyết việc dân sự thì thể nhân, pháp nhân là các chủ thể trong quan hệ pháp luật đó cần nắm vững các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và luật chuyên ngành có quy định về thời hiệu, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự để thực hiện quyền năng của chủ thể theo quy định của pháp luật./.

                                                                                                                            LS. Lê Duy Thắng

 

 

            

Tìm kiếm bài viết

Có thể bạn quan tâm

CÔNG TY LUẬT TNHH THIÊN HÒA HÀ NỘI 

Trang web luatthienhoahanoi.com được xây dựng nội dung bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên và cộng tác viên dựa trên nhu cầu tư vấn thực tế được trang Ban quản trị tổng hợp. Nội dung tư vấn có kèm nhiều thông tin khách hàng cũng như nhiều đối tượng khác được pháp luật bảo hộ. Việc tái bản, phát hành lại vui lòng liên hệ Ban quản trị. Mọi hành vi khác mà chưa được sự đồng ý đều được xem là vi phạm pháp luật.

LIÊN HỆ

  Điện thoại: 024 3756 0712  - 090 411 6298 / 098 150 3445

Email: [email protected]
 Địa chỉ: Số 28, ngõ 112, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

???? Website: www.luatthienhoahanoi.com